Mù mắt vì tổn thương võng mạc do tiểu đường

NỘI TIẾT.- Mức sống càng cao, tỉ lệ bệnh tiểu đường càng tăng. Tổn thương võng mạc tiểu đường: Nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở các nước phương Tây. Ở Việt Nam, tỉ lệ mù trên người tiểu đường là 17,1% và tiểu đường là nguyên nhân đứng hàng thứ tư gây mù lòa sau bệnh đục thủy tinh thể

Ngày 16 tháng 12 năm 2002, phòng khám chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị M, 57 tuổi, nhà ở quận Gò Vấp. Bệnh nhân bị tiểu đường đã khá lâu, nhưng chỉ mới phát hiện khoảng 6 năm gần đây. Việc điều trị không được liên tục vì có những giai đoạn bệnh nhân tưởng bệnh đã khỏi hẳn. Khoảng hai tháng gần đây, bàn chân phải bị lở nhiều ở vùng ngón cái, nhiễm trùng ngày càng lan rộng, không thể kiểm soát bởi các thuốc kháng sinh thông thường như: Ampiciline hay Amoxiciline v.v… Ba ngày sau nhập viện, bệnh nhân nói với chúng tôi mắt mờ đã ba tháng nay và ngày càng nặng. Khi được bác sĩ chuyên khoa mắt khám, thật đau lòng khi chúng tôi được biết mắt bệnh nhân có thể mù vì tổn thương võng mạc do bệnh tiểu đường đã vào giai đoạn nặng.

Hai dạng (type) tiểu đường chính

Dạng thứ nhất bắt đầu từ tuổi thơ ấu hay lúc mới vào tuổi thanh niên và dạng thứ hai xuất hiện ở những người lớn tuổi, béo phì (phụ nữ thường bị nhiều hơn là nam giới). Ở dạng thứ nhất, dạng lệ thuộc Insulin của bệnh, có một tình trạng thiếu Insulin nghiêm trọng và suốt đời bệnh nhân phải lệ thuộc vào liều Insulin chích mỗi ngày. Đối với bệnh tiểu đường không lệ thuộc Insulin, căn bệnh thường phát ra từ từ thì không phải là do thiếu Insulin thực sự. Tuyến tụy tạng lành mạnh và sản xuất ra Insulin, nhưng do người ta tiêu thụ quá nhiều chất thủy thán (carbohydrat) và tinh bột từ chế độ ăn, không có đủ Insulin để đối phó và do đó cơ thể trở nên tương đối thiếu chất này. Trong một số trường hợp bệnh nhẹ, vấn đề chỉ là giảm bớt thủy thán và tinh bột trong chế độ ăn mà thôi. Trong những trường hợp khác, các thuốc kích thích tụy tạng sản xuất ra nhiều Insulin hơn hoặc làm giảm nồng độ đường glucose trong máu hỗ trợ các biện pháp ăn kiêng.

Tiểu đường – bệnh rất đáng lo ngại ở VN!

Ngày nay, tiểu đường là một bệnh rất hay gặp. Nó là vấn đề sức khỏe cộng đồng chính ở những nước đã và đang phát triển trong vùng châu Á – Thái Bình Dương và hiện đang trở thành dịch tễ ở một số nước. Hàng năm ngân sách của Nhà nước và gia đình đã phải chi một khoản tiền khá lớn cho việc điều trị loại bệnh này.

Theo một số công trình nghiên cứu về dịch tễ học, tỉ lệ tiểu đường type 2 là loại hay gặp nhất và không phụ thuộc vào Insuline, thay đổi rất nhiều trong nhóm người trên 30 tuổi. Ở Trung Quốc, tỉ lệ này là 2%, còn ở quần đảo Papua New Guinea nằm ở giữa biển Thái Bình Dương là 40% – 50%. Ở Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân bị tiểu đường tăng lên rõ rệt trong vòng 30 năm qua. Các điều tra cơ bản trước năm 1975, cho thấy tỉ lệ mắc bệnh rất thấp ở cả miền Bắc và miền Trung, chỉ vào khoảng dưới 1%. Nhưng từ năm 1990 trở về sau, tỉ lệ mắc bệnh tăng lên khá cao, chiếm tới 2,5% dân số, nhất là ở TPHCM. Và điều đáng nói là: Tiểu đường từ một bệnh hầu như không đáng kể ở Việt Nam trước những năm 1970 của thế kỷ trước nay đã trở thành một bệnh rất đáng lo ngại với tỉ lệ mắc ngày càng tăng, tương đương với các nước trên thế giới và vùng Đông Nam Á.

Mù lòa do tổn thương võng mạc

Bệnh võng mạc tiểu đường ngày càng gia tăng ở các nước công nghiệp phát triển và tại Việt Nam. Mức độ này tỉ lệ thuận với mức sống của nhân dân và mức độ mắc bệnh tiểu đường trong cộng đồng. Theo các tác giả Thụy Điển, có đến 26,5% bệnh nhân tiểu đường type 2 dưới 70 tuổi bị tổn thương võng mạc và có nguy cơ mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của bác sĩ Trần Xuân Đài tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tỉ lệ tổn thương võng mạc của bệnh nhân tiểu đường là 39,28% trên tổng số bệnh nhân tiểu đường. Một nghiên cứu khác của bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh thực hiện trên 250 bệnh nhân tại phòng khám mắt Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy có đến 25,2% số bệnh nhân tiểu đường type 2 bị tổn thương võng mạc. Trong đó phần lớn bệnh nhân (79,4%) bị cả hai mắt.

Ở các nước phương Tây, bệnh võng mạc do tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người dưới 65 tuổi, tỉ lệ mù trên bệnh nhân tiểu đường type 2 là 2,3%. Trong khi đó ở Việt Nam thì tỉ lệ mù trên người tiểu đường là 17,1%, xếp thứ tư trong các nguyên nhân gây mù lòa.

Bệnh tiểu đường và những biến chứng nguy hiểm

Các tài liệu y học cho thấy: Bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2 gây ra cho người bệnh nhiều biến chứng nặng nề, có những biến chứng gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Ngoài biến chứng gây mù lòa, còn có các biến chứng sau:

Biến chứng trên thận: Gây tiểu ra Albumine, tổn thương các vi cầu thận và cuối cùng là suy thận mạn tính. Suy thận do tiểu đường rất khó điều trị, ngay cả việc ghép thận thì tiên lượng thành công cũng rất hạn chế vì bệnh tiểu đường vẫn tiếp tục diễn tiến trên bệnh nhân.

Nhiễm trùng bàn chân tiểu đường: Nếu không điều trị tốt sẽ gây hoại thư phải cắt cụt chi, thậm chí gây tử vong do nhiễm trùng huyết.

Tác hại trên tim mạch: Kết hợp với những rối loạn trong chuyển hóa chất béo gây nên tình trạng xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim v.v…

Gây rối loạn cương dương: Ở bệnh nhân là đàn ông, biến chứng này làm giảm chất lượng cuộc sống và đe dọa hạnh phúc gia đình.

Phòng bệnh

. Nguyên nhân của tiểu đường type 2 rất đa dạng. Nhưng vẫn có thể phòng ngừa được bằng một chế độ ăn hợp lý: nhiều rau xanh, ăn uống vừa phải tránh các loại thức ăn có quá nhiều chất bột, đường, mỡ v.v… Nên sử dụng các món ăn truyền thống của dân tộc, đó là kết luận của hội nghị lần thứ 20, tại Indonesia năm 1997 về tim mạch và tiểu đường châu Á – Thái Bình Dương.

. Nên đi khám bệnh khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ khả năng tiểu đường: mờ mắt, gầy sụt cân, tiểu nhiều, nhiễm trùng dai dẳng, ngứa da không trị được bằng các thuốc thông thường v.v… với những bác sĩ có kinh nghiệm bạn sẽ được cho làm các xét nghiệm tầm soát bệnh tiểu đường: Định lượng đường trong máu, trong nước tiểu; nghiệm pháp dung nạp Glucose v.v…

. Khi đã bị bệnh tiểu đường cần có chế độ ăn kiêng thích hợp được tư vấn bởi bác sĩ dinh dưỡng hoặc bác sĩ nội tiết. Cần phải sử dụng thuốc đều đặn để ổn định lượng đường trong máu, khám định kỳ về mắt tại các trung tâm chuyên khoa để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng về mắt. Nhất là vào những năm thứ 5 trở đi sau khi xuất hiện bệnh.

TS-BS Nguyễn Hoài Nam, Ths- BS Nguyễn Thị Tuyết Minh

 

Sản Phẩm Liên Quan